bai-luyen-tap-hit-tho-cho-ba-bau-copybsnhat.jpg

Vì sao mẹ bầu thường dễ bị khó thở?

Khó thở khi mang thai là một hiện tượng gặp ở nhiều thai phụ, có thể xuất hiện ở nhiều thời điểm khác nhau nhưng phổ biến nhất là vào đầu và cuối thai kỳ. Nguyên nhân của hiện tượng này thường do:

  • Thiếu máu:  

Khi mang thai cơ thể phải cần lượng sắt nhiều hơn để tạo ra các tế bào hồng cầu mang oxy đi nuôi thai nhi và các cơ quan nội tạng. Việc thiếu sắt sẽ dẫn đến cơ thể làm việc nhiều hơn bình thường để tạo oxy khiến thai phụ bị thiếu máu và khó thở.

  • Sự thay đổi hormone:

 Khi mang thai, cơ thể phụ nữ sẽ có sự gia tăng nồng độ hormone progesterone gây kích thích đến trung tâm hô hấp ở não và phổi, dẫn đến hơi thở thai phụ trở nên gấp gáp hơn, xuất hiện hiện tượng khó thở.

  • Sự phát triển của thai nhi:

 Thai nhi càng phát triển lớn dần lên thì tử cung càng mở rộng, điều này gây đè nén lên vùng dưới cơ hoành (bộ phận kết hợp với phổi để đưa không khí đến phổi). Khi cơ hoành bị chèn ép sẽ khiến thai phụ bị khó thở. Nhiều trường hợp thai nhi quá to khiến cơ hoành bị ép chặt khiến thai phụ thiếu oxy trầm trọng và ngất xỉu.

  • Chứng phù nề:

 Khó thở khi mang thai thường gặp ở những thai phụ mắc chứng phù nề do phù nề làm phổi và xoang mũi bị ảnh hưởng.

  • Bệnh van tim:

 Thai phụ mắc bệnh lý van tim sẽ gặp các triệu chứng khó thở, mệt mỏi, đau ngực, rối loạn nhịp tim, suy tim… Do đó, thai phụ cần được theo dõi sát sao để phát hiện sớm những ảnh hưởng xấu đến mẹ và bé, có biện pháp can thiệp kịp thời và hiệu quả.

  • Bệnh hen suyễn: 

Thai phụ có tiền sử bệnh hen suyễn khi mang thai sẽ làm cho triệu chứng của bệnh nặng hơn, do đó việc gặp hiện tượng khó thở là điều khó tránh khỏi.

  • Thuyên tắc phổi:

Huyết khối bị kẹt lại bên trong động mạch phổi sẽ dẫn đến tình trạng thuyên tắc phổi, gây ra các hiện tượng đau ngực, khó thở và ho khi mang thai.

  • Bệnh lý tổn thương ở phổi:

Gây giảm chức năng hô hấp: nhiễm Cúm; nhiễm Sars CoV2, lao phổi,…

Chuỗi 5 bài tập thở cho mẹ bầu có vấn đề hô hấp 

Bài 1: Thông đường thở bằng kỹ thuật thở ra (Bầu ngồi ghế)

  • Hít vào thở ra kéo dài tối đa
  • Tập kỳ thở ra mạnh: hít vào – nín lại – thở ra thật mạnh

Bài 2: Mở lồng ngực và kiểm soát nhịp thở

  • Hít vào đưa 2 tay từ dưới lên qua khỏi đầu
  • Thở ra từ từ, đưa 2 tay ra phía sau và về vị trí cũ
  • Đặt 2 tay chéo trước ngực – hít vào nâng 2 vai cao tối đa, giúp mở lồng ngực
  • Thở ra từ từ đưa 2 tay về vị trí cũ

Bài 3: Tăng cường vận động cơ hô hấp hít vào (Thở ngực – Thở Bụng)

  • Thở ngực: Bầu nằm ngửa, đặt 2 tay lên bụng, hít vào cho lồng ngực ngực mở ra tối đa – thở ra từ từ. Lắng nghe nhịp thở của mình.
  • Thở bụng: Bầu nằm ngửa  2 tay úp xuống mặt giường, hít vào cho bụng phình lên tối đa, thở ra từ từ bằng miệng. Lắng nghe nhịp thở của mình.

Bài 4: Thở xen kẻ nhịp ngắn nhịp dài (Thở 3 nhịp nông – 3 nhịp sâu)

  • Thở 3 nhịp nông – Hít 3 nhịp sâu 
  • Hít sâu vào lắng nghe nhịp thở của mình
  • Thở 3 nhịp nông – Hít 3 nhịp sâu xem kẻ nhau.

Bài 5: Mẹ con cùng hòa nhịp

  • Mẹ bầu nằm ngửa đặt 2 tay lên bụng để cảm nhận sự tồn tại của em bé
  • Hít vào thật sâu thở ra từ từ đồng thời cảm nhận được sự tồn tại của em bé
  • Tiếp tục hít sâu vào và thở ra từ từ cho cả 2 mẹ con

Chuỗi bài tập hít thở này được thiết kế gồm 5 bài tập, mỗi bài tập gồm 2 động tác. Các động tác đều tập trung vào việc tập hít thở như tập cách thở ra kéo dài, các kỹ thuật thở bụng, thở ngực, thở xen kẽ các nhịp ngắn, nhịp dài hoặc cách thở để mở lồng ngực. 

Các động tác đều nhẹ nhàng, dễ thực hiện, phù hợp với thai phụ. Thai phụ có thể thực hiện chuỗi bài tập này mỗi ngày từ 2 – 3 lần, lặp lại mỗi động tác 10 lần.

5 bài tập thở này đều liên quan mật thiết với nhau, giúp đường thở được thông suốt, lồng ngực được nở tối đa để tiếp nhận oxy, giúp các cơ quan hô hấp có thể vận động một cách nhịp nhàng, hiệu quả. Việc thai phụ tập hít thở thường xuyên và đúng cách sẽ giúp tăng cường chức năng và sức bền đường hô hấp, cũng là cách mẹ bảo vệ bé trong quá trình mang thai.

Lợi ích của việc tập hít thở khi mang thai

Việc  mẹ phải hít thở tốt thì mới cung cấp đủ oxy cho con. Do đó, thai phụ nên tập thở để tiếp nhận oxy một cách dễ dàng, đồng thời mẹ sẽ cảm thấy dễ chịu hơn khi thai nhi phát triển chèn ép lên đường hô hấp. 

Ở phụ nữ mang thai, dung tích lồng ngực phần nào sẽ bị hẹp lại khi thai nhi ép lên cơ hoành. Việc tập thở sẽ giúp mở bung lồng ngực, làm nở lồng ngực giúp việc trao đổi khí dễ dàng hơn, ít khí cặn tồn đọng bên trong đáy phổi hơn. Tập thở đúng cách còn chính là phương pháp giúp giảm thiểu những triệu chứng khó chịu ở đường hô hấp, nhất là khi thai phụ nhiễm siêu vi.

Bên cạnh đó, việc tập hít thở cho bà bầu nếu làm đúng còn mang lại nhiều lợi ích khác:

  • Tập thở đúng cách giúp thai phụ giảm thiểu các triệu chứng ốm nghén.
  • Việc hít thở sâu cung cấp nhiều oxy hơn, giảm các hiện tượng đau khớp, đau cơ bắp khi mang thai.
  • Tập thở hỗ trợ giảm sự lo lắng, stress khi mang thai. Đây vốn là những tâm lý khá phổ biến, nếu không được điều chỉnh có thể trở nên tiêu cực.
  • Thai nhi càng phát triển, cơ thể mẹ cần cung cấp nhiều oxy hơn. Việc thở nông sẽ không đủ để đem lại lượng oxy dồi dào. Do đó, thai phụ cần tập luyện các bài tập thở để mẹ và con đều nhận đủ lượng oxy cần thiết.
  • Hầu hết thai phụ đều cảm thấy sợ hãi và lo lắng về quá trình sinh nở. Tuy nhiên, việc tập hít thở trong lúc mang thai sẽ giúp thai phụ dễ dàng vượt qua được “trận chiến” này.
  • Các bài tập hít thở cho bà bầu được chứng minh hỗ trợ thai phụ trong kiểm soát các cơn gò và cơn đau chuyển dạ được tốt hơn.
  • Đặc biệt, các bài tập thở sẽ giúp thai phụ cảm nhận trọn vẹn quá trình “vượt cạn” đón con yêu chào đời.

Một số lưu ý khi thực hiện bài tập

Thai kỳ không phải là thời điểm phù hợp để tăng cường vận động, do đó thai phụ chỉ nên áp dụng những bài tập nhẹ nhàng, vừa sức như chuỗi 5 bài tập thở được hướng dẫn.

Giữ tinh thần thoải mái khi thực hiện bài tập, khi thấy mệt nên nghỉ ngơi.

Tham khảo ý kiến bác sĩ về thời điểm và cường độ tập luyện để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.

Ngưng tập luyện và đến ngay cơ sở y tế khi có các dấu hiệu:

    • Khó thở, hụt hơi;
    • Co thắt tử cung;
    • Chảy máu âm đạo;
    • Đau đầu, chóng mặt;
    • Nhịp tim không đều, nhanh bất thường;
    • Thai ít cử động hơn so với bình thường.

Để nhận thông tin khám với Bs Nhật, vui lòng nhấn vào link: https://m.me/bsphamquangnhat

Tài liệu tham khảo ở ThS.BS Calvin Q Trịnh, Khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện 1A, TP.HCM hướng dẫn cách thực hiện chuỗi bài tập thở cho bà bầu, tăng cường sức khỏe cho cả mẹ và bé.

BS - Phạm Quang Nhật

Bản quyền 2021 © Phòng khám Phạm Nhật