Cường giáp ở phụ nữ đang mang thai
Cường giáp ở phụ nữ đang mang thai có nguy hiểm? Là câu hỏi thắc mắc của nhiều mẹ bầu. Cường giáp khi mang thai ảnh hưởng không nhỏ đến cả mẹ và bé. Ngoài ra một số phương pháp điều trị cần lưu ý đối với phụ nữ có thai bị cường giáp.
1. Cường giáp là gì?
Cường giáp là một rối loạn hệ thống miễn dịch dẫn đến tình trạng tuyến giáp hoạt động quá mức, dẫn đến gia tăng sản xuất hormone tuyến giáp vào máu gây ra những rối loạn chuyển hóa của cơ thể.
Cường giáp là rối loạn nội tiết phổ biến đứng thứ hai sau bệnh đái tháo đường với tỷ lệ gặp ở phụ nữ mang thai là 1/1.500. Vì các hormone tuyến giáp ảnh hưởng đến một số hệ thống cơ thể khác nhau, các dấu hiệu và triệu chứng liên quan đến các cơ quan khác nhau. Thai phụ mắc cường giáp thường có các biểu hiện như tăng cân không đều, tim đập nhanh, nôn nhiều bất thường…
Mục tiêu điều trị chính là ức chế sự sản xuất quá mức của hormone tuyến giáp và làm giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.
2. Nguyên nhân gây cường giáp thai kỳ
- Basedow là nguyên nhân gây cường giáp thường gặp nhất (80-85%), tỷ lệ gặp 1/1500 phụ nữ mang thai. Chẩn đoán Basedow trong thời kỳ mang thai khó khăn hơn vì các triệu chứng hay xúc cảm, sợ nóng, da nóng ẩm và vã mồ hôi dễ nhầm với các triệu chứng của nghén. Xét nghiệm đo độ tập trung Iốt không làm được vì sẽ ảnh hưởng đến thai nhi. Do đó chẩn đoán dựa vào tiền sử, nhịp tim nhanh trên 100 lần/phút, siêu âm, xét nghiệm TSH, FT4, TRAb.
- Trong thời gian mang thai, hormone HCG sẽ được sản xuất. Hormone HCG được sản xuất trong khi mang thai, sẽ đạt đỉnh điểm vào khoảng 12 tuần sau khi mang thai. Điều này gây kích thích nhẹ tuyến giáp và gây ra một số triệu chứng cường giáp. Nếu bạn mang đa thai thì nồng độ HCG thậm chí còn tăng cao hơn và các triệu chứng sẽ trở nên rõ rệt hơn. Có khoảng 10 – 20% phụ nữ mang thai xuất hiện các triệu chứng này nhưng đa phần những phụ nữ này không cần điều trị.
- Những phụ nữ mắc phải chứng nôn nghén nặng (hyperemesis gravidarum) cũng có thể có các triệu chứng cường giáp nhẹ. Tuy nhiên, các triệu chứng này thường sẽ biến mất sau tam cá nguyệt thứ nhất.
Ngoài những nguyên nhân trên, còn có thể do những nguyên nhân sau:
- Gia đình có tiền sử mắc các bệnh về tuyến giáp hoặc các bệnh tự miễn cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc phải hội chứng cường giáp trong thai kỳ.
- Một số loại thuốc, chẳng hạn như những loại thuốc giúp tim đập bình thường, cũng có thể gây cường giáp trong thai kỳ.
- Nhiễm trùng gần tuyến giáp cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến bệnh này.
- Các vấn đề khác về tuyến giáp như tuyến giáp phình to, sưng do nhiễm trùng hoặc ung thư tuyến giáp cũng có thể ảnh hưởng đến cách hoạt động của tuyến giáp.
- Nồng độ iốt cao cũng có thể gây cường giáp. Tuyến giáp sử dụng iot để tạo ra hormone. Do đó, tuyến giáp sẽ tạo ra nhiều hormone nếu nồng độ iốt trong cơ thể bạn cao.
3. Triệu chứng của cường giáp trong thai kỳ
- Giảm cân hoặc không tăng cân như mong đợi, thường xuyên thèm ăn, tiêu chảy
- Nhịp tim nhanh và thở nhanh, ngay cả khi nghỉ ngơi
- Tăng tiết mồ hôi và chịu nóng kém
- U, sưng đau ở cổ hoặc lồi mắt
- Lo âu, bồn chồn, mệt mỏi hoặc khó ngủ
- Run rẩy và yếu cơ
- Tăng huyết áp, đau đầu, buồn nôn và mắt mờ
- Tuyến giáp có thể thay đổi về kích thước to lên trong quá trình mang thai
4. Cường giáp ảnh hưởng đến thai phụ như thế nào?
- Khoảng 1% số em bé sinh ra từ những phụ nữ mắc bệnh Basedow sẽ bị cường giáp sau khi sinh. Nguyên nhân là do kháng thể kích thích tuyến giáp có thể được truyền qua nhau thai và ảnh hưởng đến bé. Trước khi sinh, nếu nhịp tim thai cao (lớn hơn 160 nhịp/phút), khi siêu âm thấy có xuất hiện bướu giáp ở thai nhi, thai nhi tăng trưởng kém hoặc xương phát triển bất thường thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy thai nhi bị cường giáp. Nếu rơi vào tình huống này thì bác sĩ có thể cho bạn dùng thuốc (PTU hoặc MMI) để điều trị cho thai nhi. Sau khi sinh, cường giáp có thể được phát hiện bằng cách xét nghiệm máu.
-
Bệnh Basedow có thể mới xảy ra trong 3 tháng đầu của thai kỳ hoặc ở phụ nữ đã bị Basedow trước đó. Ngoài các triệu chứng kinh điển, người mẹ còn có thể bị đẻ non hoặc tiền sản giật. Ngoài ra, mẹ sẽ có nguy cơ cao bị suy tim, nhiễm độc giáp cấp. Bệnh Basedow có thể được cải thiện vào 3 tháng cuối thai kỳ hoặc cũng có thể nặng hơn ở thời kỳ hậu sản.
- Cường giáp không được kiểm soát tốt: Dẫn tới đứa trẻ bị tim bẩm sinh, thai chậm phát triển, trẻ bị đẻ non, thai chết lưu và có thể bị dị tật bẩm sinh. Đó là lý do tại sao điều trị cường giáp cho phụ nữ có thai là hết sức quan trọng.
- TSI (hormone kích thích tuyến giáp) tăng quá cao: Basedow được biết đến như một bệnh tự miễn dịch, cơ thể tự sinh ra kháng thể kích thích tuyến giáp (TSI). Kháng thể này qua nhau thai và có thể tác động đến tuyến giáp của thai nhi gây cường giáp ở trẻ sơ sinh.
5. Lựa chọn điều trị phụ nữ cường giáp khi mang thai?
- Cường giáp nhẹ (triệu chứng nghèo nàn, nồng độ hormone tăng nhẹ) thông thường sẽ được theo dõi chặt chẽ mà chưa cần điều trị gì cho cả mẹ và em bé sau sinh. Khi cường giáp nặng cần phải điều trị thì thuốc kháng giáp trạng tổng hợp nên lựa chọn là PTU và theo dõi chặt chẽ (xét nghiệm TSH, hóc môn tuyến giáp hàng tháng) tránh gây suy giáp cho người mẹ và đứa trẻ.
- Những phụ nữ không thể điều trị với thuốc kháng giáp trạng tổng hợp (dị ứng thuốc) thì phẫu thuật cũng có thể được lựa chọn. Tuy nhiên phẫu thuật cắt tuyến giáp cần được cân nhắc hết sức chặt chẽ vì nguy cơ cao trong gây mê, phẫu thuật cho cả mẹ và thai nhi. Phẫu thuật có thể được thực hiện để cắt bỏ toàn bộ hoặc cắt bỏ một phần tuyến giáp. Bác sĩ sẽ thực hiện phẫu thuật trong thời gian mang thai nếu họ cảm thấy rằng điều này an toàn cho bạn và bé.
-
Chống chỉ định điều trị I-ốt phóng xạ cho phụ nữ có thai vì I-ốt phóng xạ qua nhau thai gây mất chức năng tuyến giáp của trẻ.
- Thuốc ức chế bêta giao cảm có thể được dùng để giảm triệu chứng đánh trống ngực và run do cường giáp. Nên dùng liều nhỏ, thông thường loại thuốc này chỉ cần thiết cho đến khi cường giáp được kiểm soát bằng thuốc kháng giáp trạng tổng hợp.
- Thông thường phụ nữ bị Basedow sau khi sinh bệnh sẽ nặng lên (thường ở 3 tháng đầu tiên sau sinh), do đó cần tăng liều thuốc kháng giáp trạng trong thời điểm này. Đồng thời cần kiểm soát chặt chức năng tuyến giáp. Đứa trẻ có thể bú sữa mẹ nếu bà mẹ được điều trị bằng PTU vì PTU gắn với protein máu cao và ít qua sữa mẹ hơn các thuốc khác.
- Thông thường, các thuốc như propylthiouracil (PTU) và methimazole (MMI) sẽ được sử dụng. Tuy nhiên, cả hai loại thuốc này có thể đi qua nhau thai và xâm nhập vào thai nhi. Thế nhưng, việc điều trị sẽ được ưu tiên vì nếu không điều trị thì có thể dẫn đến những hậu quả khó lường hơn. Phụ nữ bị cường giáp điều trị bằng các thuốc PTU và MMI có thể cho bé bú.. Thuốc PTU thường được ưu tiên hơn vì nó có nồng độ thấp hơn trong sữa mẹ. Nên điều trị với liều thấp, duy trì FT4 ở giới hạn cao của bình thường sẽ tốt cho thai nhi hơn. Trong quá trình điều trị thai nhi được theo dõi đều về tốc độ phát triển, nhịp tim thai, siêu âm tìm bướu cổ cho thai.
Để nhận thông tin khám với Bs Nhật, vui lòng nhấn vào link: https://m.me/bsphamquangnhat\