Độ pH trong tinh dịch là gì?
Độ pH trong tinh dịch là gì?
pH là chữ viết tắt của “hydrogen power”, được hiểu là “sức mạnh của nguyên tử Hydro”. Độ pH được sử dụng như một thang đo để xác định mức độ axit hoặc bazơ (kiềm) của một dung dịch, dao động từ 0 đến 14. Nếu dịch có độ pH bằng 7 là trung tính, trên 7 là có tính kiềm và dưới 7 là có tính axit. Vì vậy, khi chỉ số pH càng giảm, độ axit càng tăng và ngược lại.
Tại sao độ pH trong tinh dịch lại quan trọng? Lý do là vì môi trường trong âm đạo. Trong điều kiện bình thường, pH âm đạo giúp duy trì sự cân bằng của vi khuẩn tốt và xấu, ngăn ngừa nhiễm trùng. Tuy nhiên, để tự bảo vệ khỏi vi khuẩn xấu và đảm bảo sự cân bằng lành mạnh, môi trường âm đạo có xu hướng hơi axit. Dù vậy, độ pH âm đạo cũng thay đổi thường xuyên, tùy thuộc vào thời điểm nào trong chu kỳ, các hoạt động tình dục, thậm chí cả chế độ ăn uống và tập luyện của bản thân người phụ nữ.
Như thế, để tạo thuận lợi cho sự tồn tại của tinh trùng trong cơ quan sinh dục nữ, tinh dịch phải có độ pH cao hơn dịch âm đạo. Theo đó, pH của tinh dịch có tính hơi kiềm để trung hòa lại. Chính cơ chế này của tinh dịch sẽ giúp bảo vệ tinh trùng sống sót cho đến khi gặp được trứng.
Kiểm tra độ pH của tinh dịch bằng cách nào?
Độ pH trong tinh dịch dễ dàng được xác định bởi các xét nghiệm cơ bản bằng máy tự động hay các kỹ thuật viên xét nghiệm dùng giấy quỳ đổi màu. Sự thay đổi màu sắc của giấy khi so với bảng màu chuẩn sẽ biết được độ pH của mẫu bệnh phẩm.
Bên cạnh chức năng xác định độ pH, xét nghiệm tinh dịch đồ còn cho biết mật độ, cấu trúc và độ di động của tinh trùng. Đây là xét nghiệm cung cấp toàn bộ các thông số cơ bản giúp xác định khả năng sinh sản tự nhiên của tinh trùng có tốt hay không.
Giá trị pH bình thường của tinh dịch là bao nhiêu?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, độ pH trung bình của tinh dịch nên nằm trong khoảng từ 7,2 đến 8. Đây chính là môi trường bảo vệ hoàn hảo cho tinh trùng.
Nếu tinh dịch của bạn có độ pH dưới 7, tức có tính axit sẽ làm giảm cơ hội thụ thai của bạn và còn là dấu hiệu của sự tắc nghẽn trong túi tinh.
Ngược lại, nếu tinh dịch của bạn có độ pH trên 8, tức có tính kiềm có thể làm suy yếu khả năng vận động của tinh trùng và cũng là dấu hiệu của sự nhiễm trùng.
Duy trì độ pH trong tinh dịch lý tưởng như thế nào?
Xây dựng chế độ ăn uống cân bằng: Từ bỏ thói quen bỏ bữa hay các bữa ăn vặt vô ích. Thay vào đó, điều quan trọng là có một chế độ ăn cân đối, nhiều trái cây, rau quả và dinh dưỡng lành mạnh;
Tập luyện thể chất: Thói quen thường xuyên vận động cơ thể không chỉ giúp các cơ bắp theo dẻo dai, tăng cường chuyển hóa chất cũng như lưu lượng máu đến các cơ quan, bao gồm cả cơ quan sinh sản ở nam giới;
Tránh tiếp xúc độc tố: Tiếp xúc với các hóa chất nguy hiểm, gồm cả hút thuốc lá và uống rượu, có thể khiến cho tinh dịch có tính axit cao. Quý ông cần hạn chế tiếp xúc thường xuyên với các hóa chất độc hại này;
Hạn chế căng thẳng: Stress khiến cho cơ thể bài tiết các hormone chống lại những lo âu, căng thẳng trong hệ thần kinh, tim mạch cũng như các hệ cơ quan khác. Điều này khiến cho các quá trình chuyển hóa trì trệ, tăng ứ đọng axit, ảnh hưởng chất lượng tinh trùng.
Nói tóm lại, những bất thường của tinh trùng đôi khi vô tình trở thành các yếu tố ngăn cản sự thụ thai. Trong đó, độ pH trong tinh dịch là một yếu tố rất nhạy cảm với những thay đổi môi trường bên ngoài hay cả bên trong cơ thể bạn. Hiểu những vấn đề trên đây sẽ phần nào giúp bạn điều chỉnh lối sống kịp thời để bảo vệ sức khỏe tinh trùng, đạt được hạnh phúc lứa đôi.
Để nhận thông tin khám với Bs Nhật, vui lòng nhấn vào link: https://m.me/bsphamquangnhat\