Hạ đường huyết, Mẹ bầu cần lưu ý

ha_duong_huyet.max-800x800-copy.jpg

 

Hạ đường huyết là gì?

Hạ đường huyết có triệu chứng khá rõ và đặc trưng, do đó bệnh rất dễ chẩn đoán. Nếu phải nhập viện, bạn sẽ được bác sĩ cho làm các xét nghiệm đường huyết và các xét nghiệm máu khác để chẩn đoán cụ thể tình trạng của mình.

Tình trạng tụt đường huyết xảy ra khi nồng độ đường trong máu quá thấp, dưới 3,9 mmol/l (<70mg/dl) dẫn tới cơ thể bị thiếu hụt glucose cho các hoạt động, gây nên các rối loạn cho cơ thể.

Biểu hiện chung của hạ đường huyết

  • Cảm thấy mệt đột ngột không giải thích được;
  • Cảm giác chóng mặt, đau đầu, lo âu;
  • Cảm giác tay chân nặng nề, yếu;
  • Da xanh tái;
  • Vã mồ hôi thường ở lòng bàn tay, trán, nách;
  • Hồi hộp đánh trống ngực, lo âu, hốt hoảng, mất bình tĩnh;
  • Có hiện tượng tăng tiết nước bọt;
  • Cảm giác ớn lạnh trong người chạy dọc sống lưng;
  • Run tay.

Dấu hiệu tim mạch

  • Nhịp tim nhanh;
  • Có thể có nặng ngực, đau thắt ngực.

Dấu hiệu tiêu hóa

  • Cảm giác đói cồn cào, cảm giác nóng rát vùng dạ dày. Có thể có cơn đau co thắt dạ dày, đau vùng thượng vị. Có thể có buồn nôn, nôn.

Dấu hiệu thần kinh

  • Nặng có thể gây co giật toàn thân hoặc co giật kiểu động kinh khu trú. Dấu hiệu thần kinh khu trú: liệt 1⁄2 người, tổn thương thần kinh sọ, rối loạn cảm giác, vận động. Nhìn mờ, nhìn đôi, hoa mắt.

Dấu hiệu tâm thần

  • Có thể có biểu hiện kích động, rối loạn nhân cách, nói cười vô cớ, ảo giác.

Hôn mê hạ đường huyết

Thường là giai đoạn nặng của hạ đường huyết, có thể xuất hiện đột ngột, không có dấu hiệu báo trước nhưng ít gặp. Thường xuất hiện nối tiếp các triệu chứng có trước  khi được điều trị kịp thời.

Hạ đường huyết vô thức

Theo thời gian, các đợt tụt đường huyết lặp đi lặp lại có thể dẫn đến hạ đường huyết vô thức, nghĩa là hạ đường huyết không được nhận biết. Cơ thể và não không còn tạo ra các dấu hiệu và triệu chứng cảnh báo lượng đường trong máu thấp, chẳng hạn như run rẩy hoặc nhịp tim nhanh. Khi tình trạng này xảy ra, bạn sẽ có nguy cơ tụt đường huyết nghiêm trọng, có thể đe dọa đến tính mạng.

Nếu mẹ bầu bị tiểu đường và các đợt hạ đường huyết tái phát và vô thức, bác sĩ có thể điều chỉnh phương pháp điều trị.

Cách điều trị hạ đường huyết?

Để lượng đường trong máu trở lại mức bình thường trong một cơn hạ đường huyết, mẹ bầu nên nhanh chóng bổ sung đường cho cơ thể bằng cách:

  • Uống viên đường glucose;
  • Uống nước trái cây;
  • Cách đơn giản và dễ dàng nhất là ăn kẹo, mật ong hoặc nước ngọt.

Sau đó khoảng 15 đến 20 phút, nếu lượng đường vẫn chưa bình thường trở lại hoặc  mẹ bầu  vẫn không thấy đỡ hơn, bạn nên bổ sung đường thêm một lần nữa.

Nếu mẹ bầu bị ngất hoặc co giật do tụt đường huyết, mẹ bầu không nên bổ sung glucose đường miệng vì dễ gây hít sặc, mà cần đến bệnh viện để được tiêm glucagon hoặc glucose vào tĩnh mạch ngay lập tức.

Những thói quen sinh hoạt giúp mẹ bầu hạn chế tình trạng hạ đường huyết

Đối với hạ đường huyết, phòng bệnh hơn chữa bệnh. Mẹ bầu có thể kiểm soát tình trạng bệnh của mình:

  • Ăn uống điều độ, cân bằng các bữa ăn với lượng carbohydrate mà bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị. Ăn đủ lượng carbohydrate trước khi tập thể dục và ăn nhẹ trong lúc tập thể dục nếu cần thiết.
  • Ăn các bữa ăn nhẹ ngay khi lượng đường quá thấp hoặc khi gặp các triệu chứng của bệnh.
  • Thông báo với những người sống hoặc làm việc chung rằng bạn mắc bệnh đái tháo đường và hướng dẫn họ cách xử lý nếu bạn bất tỉnh.
  • Kiểm tra lượng đường huyết dựa trên lịch mà bác sĩ yêu cầu.
  • Không phớt lờ những triệu chứng của bệnh hạ đường huyết hoặc trì hoãn việc điều trị vì bệnh có thể dẫn đến hôn mê và tổn thương não.
  • Không nản lòng nếu mẹ bầu mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 và mất thời gian điều chỉnh lượng insulin để được phép tập thể dục.
  • Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến các triệu chứng cũng như tình trạng sức khỏe.
  • Nghe theo hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý uống thuốc không được chỉ định hoặc tự ý bỏ thuốc trong toa được kê.

 

Để nhận thông tin khám với Bs Nhật, vui lòng nhấn vào link: https://m.me/bsphamquangnhat

BS - Phạm Quang Nhật

Bản quyền 2021 © Phòng khám Phạm Nhật