Làm gì khi bị stress, căng thẳng sau sinh
Mệt mỏi căng thẳng và Stress sau sinh không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý, cuộc sống của mẹ mà có thể ảnh hưởng đến cả em bé do không được mẹ chăm sóc tốt nhất. Cần phải khắc phục sớm tình trạng này để bảo vệ cả hai mẹ con.
Stress sau sinh
Nhiều mẹ bầu, dù đã chuẩn bị kỹ càng tâm lý từ khi mang bầu nhưng sau khi sinh, những mệt mỏi, căng thẳng, tress là khó tránh khỏi. Nguyên nhân là do mẹ chưa quen hoặc chưa thể tự điều chỉnh khi phải đối diện với việc chăm sóc một đứa trẻ, nhất là với những người lần đầu làm mẹ.
Việc chăm sóc trẻ sơ sinh không hề đơn giản. Mẹ luôn gặp phải những áp lực, muộn phiền khi trẻ quấy khóc, không bú hay khi trẻ bị ốm, sốt… Từ khi có con, cuộc sống của mẹ dường như thay đổi tất cả nên khó tránh khỏi tâm lý căng thẳng. Nếu bé ngoan, bú mẹ no rồi ngủ ngoan thì mẹ có nhiều thời gian để nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe nhưng những đứa bé không chịu ăn, chịu ngủ thì mẹ sẽ rất mệt mỏi.
Sau sinh, cơ thể mẹ nhạy cảm hơn nên mẹ càng dễ buồn, dễ bị tâm lý. Thậm chí, nhiều sản phụ căng thẳng kéo dài có thể dẫn đến trầm cảm sau sinh khá nguy hiểm. Nếu phải tự mình chăm sóc con mà không có sự hỗ trợ của người thân thì mẹ càng dễ bị stress.
Biểu hiện của stress sau sinh
Stress sau sinh có thể gây nhiều hệ lụy tiêu cực không chỉ đối với sản phụ mà còn ảnh hưởng đến bé con. Vì thế cần phát hiện sớm để có biện pháp khắc phục. Stress sau sinh thường có những biểu hiện dưới đây mẹ cần phải để tâm:
Luôn cảm thấy lo lắng
Phụ nữ sau sinh thường có suy nghĩ lo lắng nhiều hơn người bình thường. Những lo lắng này thường tập trung vào sự phát triển của con và sự hồi phục sức khỏe của mẹ. Làm sao để bé bú no, ngủ kỹ, con khóc phải dỗ như thế nào… là những gì mẹ luôn phải suy nghĩ.
Những lo lắng này thường xuyên xuất hiện sẽ có thể chuyển thành ám ảnh. Đây là một trong những dấu hiệu cuae stress sau sinh khá nguy hiểm.
Suy nhược cơ thể
Nhiều sản phụ luôn cảm thấy bất an, mệt mỏi không thoát ra được dù không thể biết nguyên nhân là gì. Họ dễ bị rơi vào trạng thái mệt mỏi triền mien, lâu dần gây suy nhược cơ thể. Tâm trạng bất ổn, ăn không ngon, ngủ không yên khiến họ càng ngày càng mệt mỏi hơn.
Rối loạn giấc ngủ
Nhiều mẹ sau sinh dù muốn ngủ nhưng lại chẳng thể chợp mắt mặc dù em bé đang ngủ ngon lành. Đây là một trong những dấu hiệu của tình trạng stress sau sinh. Hầu hết những trường hợp này sản phụ cảm thấy thao thức khó chìm vào giấc ngủ dù họ có đang phải bận rộn chăm con hay không.
Theo nhiều chuyên gia, tình trạng rối loạn giấc ngủ của những người bị stress sau sinh thường xảy ra từ tuần thứ 8 sau khi sinh em bé.
Mất tập trung
Dấu hiệu nữa của stress sau sinh là sản phụ mất tập trung, khó có thể tập trung vào một việc nào đó dù là làm việc hay thư giãn. Sau sinh, phụ nữ thường ở trong nhà với con, ít ra ngoài nên dễ cảm thấy bí bách, không thoải mái và cũng khó tập trung làm việc gì cả.
Khó gắn kết với con
Thời gian dài mang thai, mẹ luôn mong ngóng đến ngày được gặp con yêu. Thế nhưng, có nhiều yếu tố như áp lực, căng thẳng, stress sau sinh khiến mẹ có suy nghĩ khó gắn kết được với con. Nếu một thời gian dài, mẹ và bé không gắn kết được sợi dây tình cảm thiêng liêng thì mẹ nên tìm gặp bác sĩ tâm lý để giải tỏa và được hướng dẫn cách cải thiện tình trạng này.
Rối loạn ăn uống
Stress sau sinh có thể khiến mẹ chán ăn, ăn không ngon miệng hoặc có nhiều trường hợp lại khiến mẹ ăn nhiều hơn so với bình thường. Sự thay đổi hormone, tâm lý có thể khiến mẹ bị rối loạn ăn uống. Nó cũng là tình trạng bình thường. Tuy nhiên, nếu mẹ thấy xuất hiện thêm các triệu chứng như mất ngủ, lo âu… thì nên đi khám.
Có ý nghĩ tự tử
Nhiều người bị stress nặng còn xuất hiện ý nghĩ tự tử trong đầu. Điều này không chỉ gây hại cho họ mà còn ảnh hưởng đến đứa trẻ. Nếu đã từng có ý định này thì người thân xung quanh cần chú ý hơn đến sản phụ để tránh những đáng tiếc có thể xảy ra.
Khắc phục tình trạng stress sau sinh
Stress sau sinh ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống cũng như sức khỏe của sản phụ nên cần được phát hiện và khắc phục sớm. Nếu mẹ đang gặp phải tình trạng này, hãy thực hiện ngay những cách dưới đây:
Nhờ sự giúp đỡ của người thân
Sự giúp đỡ của chồng, của người thân trong việc hỗ trợ chăm sóc con nhỏ hoặc trò chuyện, quan tâm đến sản phụ sẽ giúp họ cảm thấy thoải mái, nhẹ nhàng và giảm căng thẳng.
Nếu được mọi người quan tâm, tình trạng stress sau sinh sẽ nhanh chóng biến mất và mẹ sẽ sớm quay trở lại cuộc sống bình thường đầy ắp tiếng cười bên bé thơ.
Thay đổi chế độ ăn uống
Sau sinh nhiều sản phụ phải ăn uống kiêng khem. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, mẹ nên ăn uống đa dạng để có được nguồn sữa chất lượng. Nếu đang gặp phải tình trạng stress sau sinh, hãy bổ sung vào thực đơn các thực phẩm giàu vitamin B, C, kẽm, magie, omega-3… vì nó có tác dụng chống lại stress, giúp tinh thần thoải mái hơn.
Lập thời gian biểu chăm sóc con
Nhiều mẹ căng thẳng, rối loạn khi thời gian chăm sóc con gần như chiếm trọn cả ngày của mẹ. Hơn nữa, giờ giấc sinh hoạt của bé thường xuyên đảo lộn cũng khiến mẹ cảm thấy mệt mỏi, bất lực. Vì thế, lập thời gian biểu chăm sóc con là biện pháp giúp mẹ không còn cảm thấy căng thẳng nữa. Chồng và người thân cũng nên chăm sóc bé để mẹ có nhiều thời gian nghỉ ngơi.
Đừng quá khắt khe với con
Nếu mẹ đang kỳ vọng vào một đứa trẻ sơ sinh ngoan ngoãn, biết ăn no, ngủ kỹ, đúng giờ, không quấy khóc thì khi bé không đạt được những yêu cầu ấy, bạn sẽ cảm thấy chán nản, mệt mỏi. Quá khắt khe với con cũng là mẹ tự tạo nhiều áp lực cho bản thân.
Vì thế, hãy nhẹ nhàng một chút với bé, cho con được phát triển theo đúng nhu cầu và khả năng của bản thân. Việc bạn cần làm là tin tưởng vào con để cảm thấy dễ thở hơn.
Luyện tập thể dục
Một vài động tác thể dục nhẹ nhàng cũng sẽ giúp tâm trạng của bạn thoải mái hơn. Yoga, đi bộ… là những bài tập phù hợp cho mẹ sau sinh. Việc tập luyện sẽ giúp não bộ tạo cảm xúc tích cực, đẩy lùi stress sau sinh.
Không so sánh mình với người khác
Mỗi người sẽ có những quan điểm, nhìn nhận cũng như sự phát triển khác nhau nên bạn đừng nhìn vào người khác để so sánh với mình. Đừng so sánh tại sao họ lấy lại dáng nhanh như vậy mà sau sinh mình vẫn bé ú nu, đừng so sánh con họ mập trong khi con mình lại còi… Những so sánh này đang tự làm hại chính mẹ.
Vì thế, hãy tin tưởng vào em bé của bạn, tự tin với cơ thể của chính mình để luôn có những suy nghĩ tích cực, hạn chế bị stress sau sinh.
Chăm sóc bản thân
Mẹ nên dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi cũng như chăm sóc bản thân. Hãy nghe những bản nhạc mẹ yêu thích, xem nhưng bộ phim, đọc sách và thư giãn khi em bé ngủ hoặc nhờ người trông bé giúp để mẹ có nhiều thời gian cho bản thân. Như vậy, mẹ sẽ thấy tâm trạng được cải thiện rất nhiều.
Stress sau sinh không chỉ là sự ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý mà nó còn có thể kéo theo nhiều hệ lụy nguy hiểm nếu mẹ có suy nghĩ tiêu cực và hành động thiếu suy nghĩ. Vì thế, phát hiện và khắc phục sớm tình trạng này là cách tốt nhất để bảo vệ cả sản phụ và em bé.
Để nhận thông tin khám với Bs Nhật, vui lòng nhấn vào link: https://m.me/bsphamquangnhat