vacxin.jpg

Việc tiêm ngừa trước khi mang thai sẽ giúp phòng ngừa các bệnh có thể ảnh hưởng trên thai như sởi, quai bị, rubella, thủy đậu… Nếu mắc những bệnh này trong thời gian mang thai, người mẹ dễ có nguy cơ sẩy thai, thai lưu, thai suy dinh dưỡng, dị tật bẩm sinh…

 6 Loại vacxin cần tiêm trước khi mang thai 

[1] Vacxin chủng ngừa cúm

  • Cảm cúm với các triệu chứng sốt, hắt hơi, sổ mũi là căn bệnh phổ biến thường gặp dù bạn là ai, sống ở đâu hay mùa nào.
  • Bệnh dễ chữa, dễ khỏi nếu bạn điều trị đúng thuốc, giữ vệ sinh trong thời gian lây bệnh.
  • Tuy nhiên, với phụ nữ mang thai bị nhiễm cúm, đặc biệt là trong thời gian 3 tháng đầu thai kỳ có thể khiến thai nhi bị dị tật bẩm sinh.
  • Mũi tiêm phòng cúm có điểm đặc biệt là bạn có thể có thai ngay sau khi tiêm và thậm chí là tiêm được trong thai kỳ nếu như mẹ bầu mang thai trong mùa cúm diễn ra cao điểm.

[2] Chủng ngừa viêm gan B

  • Viêm gan B là một loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, do virus viêm gan B (Hepatitis B Virus) gây ra.
  • Virus viêm gan B lây lan mạnh mẽ, lại có thể tồn tại ở môi trường bên ngoài trong thời gian dài.
  • Bệnh lây truyền qua đường máu, quan hệ tình dục và truyền từ mẹ sang con.
  • Tổ chức y tế thế giới cho biết, có khoảng 2 tỷ người trên thế giới đã và đang nhiễm viêm gan B. Việt Nam cũng là nước có tỉ lệ nhiễm viêm gan B cao.
  • Viêm gan B mãn tính, là tiền đề gây ra các bệnh về gan như suy gan, xơ gan, ung thư gan.
  • Đối với viêm gan B, tiêm phòng vaccine được coi là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất,
  • Chị em phụ nữ cần chủ động chích ngừa viêm Gan B càng sớm càng tốt.
  • Liều tiêm phòng viêm gan B cho người lớn đầy đủ gồm 3 mũi tiêm, mỗi mũi cách nhau tối thiểu 4 tuần.
  • Nếu tiêm đủ liều và đúng thời gian, khả năng tạo được kháng thể bảo vệ lên đến hơn 90%.
  • Tuy nhiên, cùng với thời gian, lượng kháng thể sẽ giảm đi và không còn khả năng bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của virus viêm gan B, vì vậy nên tiêm nhắc lại sau 15 năm để đảm bảo phòng chống bệnh một cách hiệu quả, nếu có thai trong thời gian đang chích ngừa cũng không ảnh hưởng gì, người mẹ có thể chích tiếp hoặc đợi sau khi sinh tiêm mũi nhắc lại.

[3] Chủng ngừa Rubella

  • Rubella hay bệnh là một bệnh truyền nhiễm do virut Rubella gây nên.
  • Tuy Rubella là bệnh lành tính, tỷ lệ gây tử vong và biến chứng thấp, nhưng lại đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ có thai.
  • Đặc biệt, nếu nhiễm rubella trong ba tháng đầu thai kỳ, khả năng 90% thai nhi bị hội chứng rubella bẩm sinh gồm các dị tật bẩm sinh như: đục thủy tinh thể, điếc, các vấn đề liên quan đến tim mạch, gan lách to, viêm màng não…
  • Trong đó điếc bẩm sinh không thể chẩn đoán được trước khi sinh.
  • Nếu người mẹ nhiễm rubella ở khoảng tuần lễ 16 của thai kỳ thì xác suất ảnh hưởng lên thai nhi giảm còn 20%, nếu nhiễm sau tuần lễ thứ 20 của thai kỳ thì yên tâm vì rất hiếm gặp dị tật trong giai đoạn này.
  • Chị em có thể lựa chọn tiêm mũi kết hợp Sởi-Quai bị-Rubella hoặc tiêm mũi đơn Rubella một liều duy nhất trước khi mang thai khoảng 1 tháng.

 

[4] Chủng ngừa thủy đậu

  • Thủy đậu (hay còn gọi là trái rạ) là bệnh do vi-rút Varicella zoster vi-rút gây ra với các triệu chứng như người mệt mỏi, sốt, khắp người nổi các bọng nước cỡ 2-5mm
  • Phụ nữ đã từng nhiễm bệnh thủy đậu trước khi mang thai hoặc đã được chủng ngừa bệnh thủy đậu thì được miễn dịch với bệnh này, trong cơ thể đã có kháng thể chống lại bệnh. Do đó, khi mang thai, những thai phụ đã có kháng thể chống lại bệnh thủy đậu không cần phải lo lắng về biến chứng của bệnh đối với bản thân họ cũng như thai nhi.
  • Đối với những người khỏe mạnh và có sức đề kháng cao, thủy đậu là một căn bệnh khá lành tính và không để lại biến chứng nguy hiểm.
  • Tuy nhiên, đối với trẻ sơ sinh và mẹ bầu, những người có hệ miễn dịch bị suy giảm, thủy đậu lại gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như viêm phổi thủy đậu gây sốt cao, khó thở, ho ra máu hoặc tổn thương hệ thần kinh, não, gan…
  • Ngoài ra, thủy đậu cũng có thể từ mẹ truyền sang cho thai nhi, làm bé có nguy cơ bị hội chứng thủy đậu bẩm sinh như: những vết sẹo dưới da, đầu nhỏ, đục thủy tinh thể, nhẹ cân, chi ngắn…
  • Đối với những thai phụ bệnh thủy đậu nguyên phát khi mang thai, sự ảnh hưởng của bệnh trên thai nhi tùy vào từng giai đoạn tuổi thai:
  • Trong 3 tháng đầu, đặc biệt tuần lễ thứ 8 đến 12 của thai kỳ, nguy cơ thai nhi bị Hội chứng thủy đậu bẩm sinh là 0.4%.
  • Biểu hiện thường gặp nhất của hội chứng thủy đậu bẩm sinh là sẹo ở da.
  • Những bất thường khác có thể xảy ra là tật đầu nhỏ, bệnh lý võng mạc, đục thủy tinh thể, nhẹ cân, chi ngắn, chậm phát triển tâm thần.
  • Trong 3 tháng giữa, đặc biệt tuần 13 – 20 của thai kỳ, nguy cơ thai nhi bị hội chứng thủy đậu bẩm sinh là 2%.
  • Sau tuần lễ thứ 20 thai kỳ, hầu như không ảnh hưởng trên thai.
  • Nếu người mẹ nhiễm bệnh trong vòng 5 ngày trước sinh và 2 ngày sau sinh, bé sơ sinh dễ bị bệnh thủy đậu lan tỏa do mẹ chưa có đủ thời gian tạo kháng thể truyền cho thai nhi trước sinh.
  • Tỉ lệ tử vong bé sơ sinh lúc này lên đến 25 – 30% số trường hợp bị nhiễm.

[5] Chủng ngừa uốn ván

  • Uốn ván là một bệnh cấp tính rất nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao do bị nhiễm độc tố của trực khuẩn uốn ván Clostridium tetani gây ra.
  • Khi mắc bệnh uốn ván tỷ lệ tử vong rất cao 25 – 90%, đặc biệt tỷ lệ tử vong trên 95% đối với uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh.
  • Vi khuẩn gây uốn ván có ở mọi nơi trong đất, cát, bụi, phân trâu, bò, ngựa và gia cầm, nơi cống rãnh hay dụng cụ phẫu thuật không tiệt trùng kỹ…
  • Việc tiêm phòng uốn ván là điều quan trọng và cần thiết mà chúng ta nên lưu ý
  • Đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh sản (15 – 45 tuổi), chị em cần chủng ngừa uốn ván theo quy định
  • Mũi 1: Tiêm sớm khi có thai hoặc chị em sống trong vùng nguy cơ có dịch.
  • Mũi 2: Ít nhất 4 tuần sau khi tiêm mũi 1 và phải chích trước sinh ít nhất 1 tháng.
  • Mũi 3: Ít nhất 6 tháng sau khi tiêm mũi 2.
  • Mũi 4: Ít nhất một năm sau khi tiêm mũi 3.
  • Mũi 5: Ít nhất một năm sau khi tiêm mũi 4.
  • Sau khi tiêm đủ 5 mũi phòng uốn ván, chị em có thể phòng bệnh uốn ván trong suốt thời kỳ sinh sản.
  • Tuy nhiên, tại Việt Nam rất ít trường hợp phụ nữ chủ động chủng ngừa đủ 5 mũi uốn ván và thường chỉ tiến hành tiêm phòng khi đã mang thai.
  • Các đối tượng này cần tiêm mũi 1 càng sớm càng tốt khi biết mình mang thai và tiêm mũi 2 sau khi tiêm mũi 1 ít nhất 1 tháng để đảm bảo hiệu quả phòng bệnh.

[6] Chủng ngừa HPV (Ung thư cổ tử cung)

  • Chị em phụ nữ trong độ tuổi 11-26 tuổi, rất nên chủng ngừa HPV, đặc biệt đối với những ai chuẩn bị kết hôn, và có ý định mang thai
  • Tiêm HPV được thực hiện 3 mũi: tùy theo chọn lựa tứ giá hay nhị giá:
  • Vaccin tứ giá là phòng ngừa được 4 Type HPV, 2 type gây ung thư cổ tử cung nhiều nhất (16, 18) và 2 type gây bệnh sùi mào gà (6, 11), phác đồ tiêm là 0-2-6 ( mũi 1 tính là thời điểm O, mũi thứ 2 chích sau mũi 1 là 2 tháng, mũi 3 chích sau mũi 1 là 6 tháng)
  • Vaccin nhị giá là phòng ngừa được 2 type HPV gây bệnh ung thư cổ tử cung (16, 18), phác đồ chích ngừa là 0-1-6 ( mũi 1 tính là thời điểm O, mũi thứ 2 chích sau mũi 1 là 1 tháng, mũi 3 chích sau mũi 1 là 6 tháng).

Tóm lại: Tốt nhất chị em phụ nữ nên có sự chuẩn bị ít nhất ba tháng trước khi mang thai, gồm cả kiến thức – tâm lý, dinh dưỡng, đi khám sức khỏe để được bác sĩ tư vấn chích ngừa và uống axit folic để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho mình và thai nhi.

Để nhận thông tin khám với Bs Nhật, vui lòng nhấn vào link: https://m.me/bsphamquangnhat

BS - Phạm Quang Nhật

Bản quyền 2021 © Phòng khám Phạm Nhật