Tiêm trưởng thành phổi – Lợi ích to lớn không ngờ cho bé nếu sanh non

Tiem-truong-thanh-phoi-Loi-ich-to-lon-khong-ngo-cho-be-neu-sanh-non-1200x675.jpg

Tiêm trưởng thành phổi trong những trường hợp nào?

Tiêm trưởng thành phổi được thực hiện khi bác sĩ xác định thai phụ có dấu hiệu sinh non hoặc có nguy cơ cao sinh non.

Các dấu hiệu cảnh báo nguy cơ sinh non gồm:

  • Ra máu hoặc chất nhầy màu hồng ở âm đạo, đau thắt lưng, trì nặng bụng;
  • Xuất hiện những cơn gò tử cung gây đau với tần suất thường xuyên;
  • Qua thăm khám, bác sĩ nhận thấy có sự biến đổi ở cổ tử cung;
  • Vỡ ối, đau tức vùng xương chậu;

Một số nguyên nhân gây sinh non thường gặp đó là :

Các nguyên nhân từ thai như: đa thai, đa ối, vỡ ối, rỉ ối, thai bị nhiễm khuẩn ối, thai có khuyết tật, thai được thụ tinh trong ống nghiệm,…

Tuy nhiên có hơn 50% các trường hợp sinh non không xác định được nguyên nhân, do đó thai phụ cần khám thai định kỳ để bác sĩ theo dõi sức khỏe. Khi có các dấu hiệu bất thường, cần đến các cơ sở y tế có chuyên khoa sản để được khám và điều trị kịp thời, tiêm trưởng thành phổi cho thai nhi nếu cần thiết.

Tiêm trưởng thành phổi là gì?

Tiêm trưởng thành phổi là phương pháp giúp phổi thai nhi phát triển nhanh chóng hơn, tránh nguy cơ trẻ sinh non bị suy hô hấp do phổi chưa phát triển đầy đủ về chức năng. Thuốc trưởng thành phổi cũng làm giảm nguy cơ nhiễm trùng hệ thống, xuất huyết não, chậm phát triển, tử vong ở trẻ sinh non, trẻ sơ sinh bị suy dinh dưỡng.

Thuốc tiêm trưởng thành phổi hiện nay là các thuốc thuộc nhóm corticosteroid. Trong đó, hai thuốc được sử dụng phổ biến là Dexamethasone và Betamethasone. Ưu điểm của hai loại thuốc này là:

  • Khả năng ức chế miễn dịch yếu
  • Tác dụng kéo dài hơn hydrocortison
  • Thuốc qua nhau thai tốt
  • Thuốc không tồn tại lâu trong hệ tuần hoàn của trẻ (40 giờ).

Tác dụng thuốc trưởng thành phổi?

Thuốc trưởng thành phổi sau khi được tiêm vào cơ thể thai phụ sẽ qua nhau thai để đến cơ thể thai nhi. Tác dụng thuốc trưởng thành phổi là:

  • Kích thích sự tổng hợp và phóng thích surfactant vào phế nang thai nhi. Trong thai kỳ bình thường, surfactant là hoạt chất chỉ xuất hiện khi thai nhi được 32 tuần tuổi. Surfactant giúp làm giảm sức căng bề mặt ở phế nang sau khi trẻ được sinh ra, giúp các phế nang luôn mở để trao đổi khí. Nếu thiếu surfactant sẽ tăng nguy cơ xẹp phổi, suy hô hấp cấp ở trẻ sơ sinh.
  • Tiêm trưởng thành phổi còn giúp kích thích thể tích phổi tăng lên và giảm lượng chất lỏng trong phổi.

Khi nào nên tiêm thuốc trưởng thành phổi?

Tiêm trưởng thành phổi được thực hiện từ tuần thứ 26 đến 34 của thai kỳ. Nếu sau khi tiêm thuốc 7 ngày mà thai phụ vẫn chưa sinh và vẫn còn nguy cơ sinh non trong 7 ngày tiếp theo thì thai phụ sẽ được tiêm nhắc lại 1 đợt.

Liều lượng tiêm mỗi đợt như sau:

  • Betamethasone: 12mg/liều tiêm bắp, tiêm 2 liều, mỗi liều cách nhau 24 giờ
  • Dexamethasone: 6mg/liều tiêm bắp, tiêm 4 liều, mỗi liều cách nhau 12 giờ.

Tiêm trưởng thành phổi không khuyến cáo tiêm theo định kỳ hay tiêm nhiều hơn 2 đợt. Nếu thai nhi sau 34 tuần thì không cần thiết phải tiêm trưởng thành phổi, vì thuốc lúc này không còn tác dụng.

Đọc thêm: Đặt vòng nâng cổ tử cung tránh sẩy thai – sanh non

Để nhận thông tin khám với Bs Nhật, vui lòng nhấn vào link:  https://m.me/bsphamquangnhat

Lưu ý: Dùng thuốc theo chỉ định của Bs Nhật

BS - Phạm Quang Nhật

Bản quyền 2021 © Phòng khám Phạm Nhật