Tiêm uốn ván trong khi mang thai

tiemVAT.jpg

Bệnh uốn ván là gì?

Bệnh uốn ván – còn được gọi là phong đòn gánh – là chứng bệnh gây co giật, căng cứng cơ do ngoại độc tố của trực khuẩn uốn ván Clostridium tetani gây ra.
Trực khuẩn uốn ván có mặt ở khắp nơi trong môi trường sống, Clostridium là những trực khuẩn gram dương, kỵ khí, sinh nha bào có thể lây nhiễm vào người khỏe qua vết thương hở.
Uốn ván là căn bệnh nguy hiểm có tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt là ở phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh. Người mắc có thể dẫn đến tử vong nguyên nhân do suy hô hấp, tăng huyết áp, hạ huyết áp hoặc suy tim.

Biện pháp để phòng bệnh uốn ván

Vắc-xin phối hợp phòng uốn ván:

  • Vắc-xin Infanrix hexa – vắc-xin 6 trong 1:
    • Là vắc-xin của hãng GSK – Bỉ, được sản xuất tại Bỉ.
    • Được chỉ định tiêm chủng cơ bản và tiêm chủng nhắc lại cho trẻ em phòng chống các bệnh: Ho gà, Bạch hầu, Uốn ván, Bại liệt, Viêm gan B, các bệnh viêm phổi, viêm màng não mủ do H.Influenzae tuýp B.
  • Vắc-xin Hexaxim – Vaccine 6 trong 1:
    • Là vắc-xin của hãng Sanofi – Pháp, được sản xuất tại Pháp.
    • Được chỉ định tiêm chủng cho trẻ từ 6 tuần tuổi để phòng các bệnh: Ho gà, Bạch hầu, Uốn ván, Viêm gan B, Bại liệt và các bệnh viêm phổi, viêm màng não do H.influenzae tuýp B.
  • Vắc-xin Pentaxim – Vaccine 5 trong 1:
    • Là vắc-xin của hãng Sanofi – Pháp, được sản xuất tại Pháp.
    • Được chỉ định tiêm chủng phòng các bệnh: Ho gà, Bạch hầu, Uốn ván, Bại liệt và các bệnh viêm phổi, viêm màng não do H.influenzae tuýp B.
  • Vắc-xin Adacel 0.5 ml:
    • Là vắc-xin của hãng Sanofi- Pháp, được sản xuất tại Canada.
    • Phòng được 3 bệnh, bạch cầu, ho gà, uốn ván.
  • Vắc-xin Boostrix
    • Là vắc-xin của hãng GSK- Bỉ, được sản xuất tại Bỉ.
    • Phòng được 3 bệnh, bạch cầu, ho gà, uốn ván.
  • Vắc-xin Tetraxim 0.5 ml:
    • Là vắc-xin của hãng Sanofi- pháp, được sản xuất tại Pháp.
    • Phòng được 4 bệnh, bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt.

Vắc-xin đơn phòng uốn ván bao gồm:

  • Vắc-xin Uốn Ván hấp phụ (VAT) của Viện vaccin và sinh phẩm Y tế, được sản xuất tại Việt Nam,

    Vắc xin này chứa giải độc tố uốn ván hấp phụ, có khả năng tạo miễn dịch chủ động với kháng nguyên uốn ván khi tạo kích thích cho hệ miễn dịch cơ thể sản xuất kháng độc tố riêng biệt. Đây là vắc xin phòng ngừa, không được chỉ định sử dụng trong điều trị uốn ván.

  • Huyết thanh kháng độc tố uốn ván (SAT) của Viện vaccin và sinh phẩm Y tế, được sản xuất tại Việt Nam. Không phải là một loại vắc-xin mà là một loại sinh phẩm y tế trong thành phần có chứa kháng thể đặc hiệu kháng độc tố uốn ván. Huyết thanh SAT được dùng để điều trị cho các bệnh nhân bị bệnh uốn ván (khi đã có triệu chứng) và dự phòng uốn ván trong các trường hợp bị các vết thương hay súc vật cắn.

Vì sao nên tiêm phòng uốn ván cho thai phụ (VAT)?

Ở thai phụ, vi khuẩn uốn ván có thể xâm nhập trong lúc sinh nở theo đường sinh dục và gây uốn ván tử cung.
Còn đối với trẻ sơ sinh, vi khuẩn uốn ván dễ dàng xâm nhập tại vị trí cắt và buộc dây rốn, dẫn đến nhiễm trùng uốn ván rốn sơ sinh.
Một khi các vi khuẩn tấn công vào cơ thể, chúng sẽ sản xuất một loại độc tố tên là tetanospasmin đi vào máu, ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, gây ra các triệu chứng co thắt cơ, đau trước tiên là các cơ nhai, cơ mặt, cơ gáy và sau đó là cơ toàn thân và các vấn đề về thở.
Tiêm uốn ván giúp người mẹ tự tạo kháng thể trước, tránh lây nhiễm và mắc bệnh khi chuyển dạ.
Việc tiêm phòng cũng hỗ trợ cho trẻ, hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm trùng uốn ván sau khi sinh.
Vắc xin uốn ván cho thai phụ đã được kiểm định an toàn cho mẹ và bé, không gây ảnh hưởng đến thai nhi.

Thời điểm tiêm phòng uốn ván cho bà bầu (VAT):

Tiêm phòng uốn ván cho bà bầu cần thực hiện vào thời điểm thích hợp trong thai kỳ hoặc theo chỉ định đặc biệt của bác sĩ.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO),  phụ nữ từ 15 – 35 tuổi, đang có thai hoặc không có thai, cần  ngừa uốn ván

Lịch tiêm:

Tổng là 5 mũi, trong đó đối với phụ nữ lần đầu mang thai là 2 mũi cơ bản.

Cụ thể, thời điểm tiêm vắc – xin uốn ván cho bà bầu được liệt kê theo các mốc dưới đây:

  • Mũi 1: Cần tiêm phòng sớm khi mới có thai lần đầu hoặc phụ nữ trong tuổi sinh đẻ chưa nhận được liều vắc – xin uốn ván nào
  • Mũi 2: Ít nhất 1 tháng sau mũi đầu tiên và tiêm trước khi sinh ít nhất 1 tháng
  • Mũi 3: Ít nhất 6 tháng sau mũi thứ 2 hoặc trong lần mang thai sau
  • Mũi 4: Ít nhất 1 năm sau mũi thứ 3 hoặc trong lần mang thai sau
  • Mũi 5: Ít nhất 1 năm sau mũi thứ 4 hoặc trong lần mang thai sau.

Nếu phụ nữ mới mang thai lần đầu:

Trước đó chưa hề tiêm phòng uốn ván hoặc không tiêm đủ liều vắc-xin thì liều tiêm sẽ bao gồm 2 mũi:

  • Mũi 1: tiêm khi thai được 3 tháng giữa thai kỳ.
  • Mũi 2: tiêm sau mũi tiêm thứ nhất ít nhất 30 ngày và phải tiêm trước khi sinh ít nhất 30 ngày.

Nếu phụ nữ mang thai lần hai:

  • Trường hợp khoảng cách giữa 2 lần mang thai là < 5 năm và đã tiêm đủ 2 liều uốn ván ở lần mang thai trước thì tiêm thêm 1 liều uốn ván cho vào 3 tháng giữa thai kỳ
  • Trường hợp khoảng cách giữa 2 lần mang thai > 5 năm hoặc mới chỉ tiêm 1 liều uốn ván ở lần mang thai trước thì nên tiêm cả 2 liều như mang thai lần đầu vào 3 tháng giữa thai kỳ.

Cần ghi nhớ:

Nếu thai lần 2 trong vòng 5 năm chưa tiêm nhắc vắc-xin uốn ván, cần tiêm một mũi vào 3 tháng giữa thai kỳ.
Nếu thai phụ đã tiêm đầy đủ 5 mũi uốn ván thì không cần phải tiêm bổ sung khi mang thai lần sau.
Vì sau 5 mũi thì khả năng bảo vệ là trên 95%. Nhưng nếu mũi thứ 5 đã tiêm trên 10 năm thì các mẹ nên tiêm nhắc lại 1 mũi.
Như vậy, tiêm phòng uốn ván cho bà bầu tuần bao nhiêu còn tùy thuộc vào số mũi vắc – xin trước đó và khoảng cách kể từ lần tiêm cuối cùng.

Tác dụng không mong muốn

  • Đôi khi có sốt, chỗ tiêm có xuất hiện quầng đỏ, đau, sưng nhẹ và tự mất đi.
  • Có thể bị dị ứng trong những trường hợp tiêm nhắc lại nhiều lần.

Mục đích của việc tiêm vắc-xin ngừa Ho gà – Uốn ván – Bạch hầu (vắc-xin Tdap) ở phụ nữ mang thai

Ho gà, Uốn ván và Bạch cầu ở trẻ sơ sinh có thể dự phòng bằng cách tiêm ngừa vắc-xin cho mẹ trong thai kỳ.

Ủy ban Tư vấn về Thực hành chủng ngừa (ACIP) đưa ra khuyến cáo nên tiêm ngừa một mũi vắc-xin kết hợp Uốn ván – Bạch hầu – Ho gà (vắc-xin Tdap) trong thai kỳ, bất kể phụ nữ mang thai đã được chích ngừa uốn ván hay chưa nhằm mục đích tối đa hóa kháng thể truyền qua cho trẻ sơ sinh.

Cơ thể mẹ tạo kháng thể, nồng độ cao nhất sau 2 tuần tiêm ngừa. Kháng thể sau đó được truyền qua thai, có tác dụng bảo vệ trẻ khỏi ho gà cho đến khi trẻ có thể chủng ngừa vắc-xin Tdap lúc 2 tháng tuổi.

Mức độ an toàn của vắc-xin Tdap

Vắc-xin Tdap an toàn cho mẹ và thai nhi. Việc tiêm ngừa không làm tăng nguy cơ biến chứng trong thai kỳ.

Tác dụng phụ có thể gặp là đau, sưng hoặc đỏ tại chỗ tiêm, sốt nhẹ, đau đầu, cảm giác mệt mỏi, buồn nôn, nôn, tiêu chảy hoặc đau bụng.

Thời điểm tiêm vắc-xin Tdap

Thời gian tốt nhất để tiêm vắc-xin này là vào thời điểm tam cá nguyệt thứ ba từ 27-36 tuần tuổi thai và chỉ tiêm 01 mũi duy nhất. Một vài trường hợp có thể tiêm ở thời điểm sớm hơn theo chỉ định của bác sĩ

Chuyển đổi 1 mũi VAT thành 1 mũi Tdap

Thai phụ chưa mắc bệnh bạch hầu hoặc chưa tiêm vắc xin có thành phần bạch hầu trong vòng 10 năm gần đây nếu có nhu cầu tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu thì có thể chọn 1 trong các lựa chọn sau:

Chuyển đổi 1 mũi VAT thành 1 mũi Tdap có thể từ tuần 16 của thai kỳ:

Nếu phác đồ có 2 mũi VAT có 2 lựa chọn:

  • Mũi 1: VAT – Mũi 2: Tdap (khoảng cách tối thiểu giữa 2 mũi là 1 tháng)

hoặc:

  • Mũi 1: Tdap – Mũi 2: VAT (khoảng cách tối thiểu giữa 2 mũi là 1 tháng)

Nếu phác đồ chỉ 1 mũi VAT, có thể chuyển đổi VAT thành Tdap.

Nếu thai phụ đã hoàn thành lịch tiêm phòng uốn ván, chỉ tiêm thêm 1 mũi Tdap (khi đang sống trong vùng dịch bạch hầu) với khoảng cách tối thiểu 1 tháng so với mũi VAT trước đó.

Để nhận thông tin khám với Bs Nhật, vui lòng nhấn vào link: https://m.me/bsphamquangnhat

BS - Phạm Quang Nhật

Bản quyền 2021 © Phòng khám Phạm Nhật