Vô sinh do khuyết ứ dịch sẹo mổ lấy thai
1. Sẹo mổ lấy thai là gì?
Khuyết sẹo mổ lấy thai là sự mất liên tục của nội mạc tử cung, một phần hay toàn bộ lớp cơ thành trước eo tử cung, xuất hiện sau mổ lấy thai, gây ra sự hình thành túi dịch tại vị trí thành trước đoạn dưới tử cung, eo tử cung hay đoạn trên của ống cổ tử cung.
2. Đặc điểm khuyết sẹo mổ lấy thai cần đi khám
2.1 Ra máu sau kỳ kinh
Hay còn gọi là rong kinh rong huyết, ra máu màu đỏ, màu đen hoặc nhầy nâu, ra ít một, chu kỳ kinh kéo dài trên 7 ngày, hiện tượng ra máu sau sạch kinh 4 – 5 ngày, tương ứng ngày 9 – 11 của chu kỳ, gây khó chịu cho người bệnh, do sự sung huyết niêm mạc vùng sẹo và các polyp nhỏ, do sự tích tụ tại vùng khuyết, do giãn các mao mạch hoặc do rụng nội mạc tử cung, các cơ quanh vùng sẹo co bóp kém làm giảm sự thoát máu kinh gây tụ dịch.
Bên cạnh đó, ra máu sau quan hệ tình dục, sau vận động mạnh cũng được đề cập đến. Thường hiện tượng rong kinh, rong huyết này không đáp ứng với điều trị nội khoa.
2.2 Vô sinh thứ phát
Khuyết sẹo mổ đẻ cũ là vấn đề khó trong quá trình điều trị vô sinh thứ phát do nhiều cơ chế. Sự hiện diện của máu đọng vùng khuyết, sự xâm nhiễm tế bào lympho, sự co kéo đoạn dưới và sự co bóp kém vùng cơ quanh sẹo làm thay đổi chất nhầy cổ tử cung, gây phản ứng viêm mạn tính cản trở sự di chuyển của tinh trùng qua ống cổ tử cung, giảm khả năng thụ tinh hoặc làm cản trở sự làm tổ của phôi.
2.3 Ứ dịch buồng tử cung
Thường không có biểu hiện lâm sàng mà được phát hiện khi siêu âm giữa chu kỳ kinh hoặc những ngày kinh. Vấn đề này được quan tâm rất nhiều trên người bệnh làm IVF vì không thể chuyển phôi vào giữa chu kỳ kinh.
Tại các trung tâm hỗ trợ sinh sản luôn phải tìm các phương pháp hạn chế ứ dịch buồng tử cung, khi mà niêm mạc tử cung vẫn đủ độ dày, giúp tăng tỷ lệ thành công của chuyển phôi.
2.4 Đau bụng vùng hạ vị
Gặp ở 40% người bệnh, đây là triệu chứng cơ năng được người bệnh mô tả có thể kèm theo đau khi giao hợp, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống. Nguyên nhân gây ra triệu chứng này có thể do hiện tượng co kéo, do lạc nội mạc tử cung tại sẹo mổ lấy thai.
3. Các phương pháp dùng để chẩn đoán khuyết sẹo mổ lấy thai
Có nhiều phương pháp chẩn đoán khuyết sẹo mổ lấy thai, mỗi phương pháp có ưu, nhược điểm riêng.
3.1 Chụp tử cung vòi trứng (HSG)
3.2 Chụp cộng hưởng từ
Ít sử dụng do chi phí cao
3.3 Siêu âm đường âm đạo
Siêu âm đường âm đạo là phương pháp được áp dụng nhiều nhất do thuận tiện rẻ tiền và hiệu quả tương đương các phương pháp khác.
Siêu âm đường âm đạo thường được thực hiện khi có kinh hoặc vào các ngày giữa của chu kỳ kinh nguyệt, lúc này buồng tử cung tiết dịch giúp dễ quan sát cũng như đo kích thước vùng khuyết.
Cách đo gồm đo chiều trên – dưới, chiều trái – phải, chiều trước – sau vùng khuyết và bề dày cơ tử cung còn lại tại vị trí sẹo mổ hoặc cạnh sẹo mổ cũ.
Đo trên đường cắt đứng dọc tử cung chiều trên – dưới, chiều trước – sau và bề dày cơ tử cung còn lại.
Đo chiều trái – phải khuyết sẹo mổ lấy thai trên đường cắt đứng ngang tử cung qua siêu âm đường âm đạo.
Ngoài ra có thể đo khoảng cách từ lỗ trong, lỗ ngoài cổ tử cung tới vị trí khuyết.
4. Soi buồng tử cung chẩn đoán (BTC)
Là tiêu chuẩn vàng do có hình ảnh nhìn trực tiếp. Soi buồng tử cung còn ghi nhận rõ ràng hình ảnh toàn bộ buồng tử cung và vùng khuyết sẹo mổ lấy thai, quan sát được đặc tính túi đọng dịch, bờ trên, bờ dưới và đáy vùng khuyết, nhìn được lạc nội mạc tử cung hay máu đọng tại đáy vùng khuyết, quan sát được biểu hiện viêm niêm mạc tử cung mạn tính tại vùng khuyết.
Ngoài ra khi soi buồng tử cung còn giúp chẩn đoán số lượng vết khuyết trên các người bệnh có tiền sử phẫu thuật lấy thai nhiều lần.
Soi buồng tử cung còn giúp phát hiện các nguyên nhân gây ra máu từ tử cung như nhân xơ dưới niêm mạc; polyp buồng tử cung, quá sản hoặc teo niêm mạc tử cung.
Tuy nhiên, soi buồng tử cung có điểm yếu là không đo được bề dày cơ tử cung còn lại, khó khăn khi xác định kích thước vùng khuyết vì vậy cần kết hợp với siêu âm để chẩn đoán hiệu quả hơn.
5. Các phương pháp xử trí khuyết sẹo mổ đẻ cũ
Lựa chọn phương pháp xử trí khuyết sẹo mổ đẻ cũ hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm của phẫu thuật viên và tình trạng hiện tại của người bệnh.
5.1 Phẫu thuật soi buồng tử cung sửa khuyết sẹo mổ lấy thai
Là phương pháp phẫu thuật xâm lấn tối thiểu bằng cách sử dụng các dụng cụ soi BTC để xử trí khuyết sẹo .
Theo Fernandez 2018 soi BTC sửa khuyết sẹo mổ lấy thai cải thiện tình trạng rong kinh, rong huyết là 65%. Tại Việt Nam, năm 2018-2019 tác giả Nguyễn Biên Thuỳ nghiên cứu tình trạng rong kinh rong huyết cải thiện 82,4 % sau sửa khuyết sẹo qua soi BTC.
Tại trung tâm IVF Vinmec thống kê tỷ lệ có thai sau chuyển phôi sau khi điều trị khuyết sẹo mổ lấy thai bằng soi buồng tử cung là 60%.
5.2. Mổ mở xử trí vùng khuyết
Phẫu thuật mổ mở có thể tiến hành cắt bỏ hoàn toàn nội mạc tử cung và tái tạo tử cung.
5.3 Nội soi ổ bụng xử trí vùng khuyết
Tương tự mổ mở, vùng khuyết được cắt lọc các mép bằng kéo và khâu phục hồi qua nội soi.
5.4 Phẫu thuật xử trí khuyết sẹo mổ lấy thai đường âm đạo
Phương pháp này được sử dụng khi xác định khuyết sẹo mổ lấy thai nằm thấp ở vùng eo tử cung.
Để nhận thông tin khám với Bs Nhật, vui lòng nhấn vào link: https://m.me/bsphamquangnhat\