Xét nghiệm sốt xuất huyết

2-1655695897719644654691.jpeg

Khi nào bệnh nhân được chỉ định xét nghiệm sốt xuất huyết?

Sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra và có thể lây truyền từ người bệnh sang người khỏe qua vật trung gian là muỗi vằn Aedes. Bệnh nhân mắc sốt xuất hiện có biểu hiện sốt, nổi ban đỏ rất dễ nhầm lẫn với các loại bệnh khác, chẳng hạn như sốt phát ban, sởi, rubella. Chính vì thế, để có thể được chẩn đoán bệnh chính xác nhất, người bệnh cần thực hiện một số loại xét nghiệm theo chỉ định của bác sĩ.

Cụ thể, bệnh nhân cần thực hiện xét nghiệm khi có những triệu chứng như sau:

– Trong giai đoạn khởi phát bệnh với các biểu hiện như:

  • Sốt rất cao và kéo dài, có thể sốt tới 40 độ C.
  • Vùng trán và hốc mắt đau, rất khó chịu.
  • Đau đầu, đau các khớp.
  • Trên da xuất hiện những nốt đỏ li ti dễ gây nhầm lẫn với bệnh sốt phát ban và bệnh sởi.
  • Bệnh nhân hay bị nôn và buồn nôn.

– Khi bệnh tiến triển nặng, người bệnh có thể xuất hiện những triệu chứng như:

  • Chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da.
  • Nôn ra máu, trong phân có lẫn máu.
  • Da người bệnh xuất hiện vết bầm tím
  • Cơ thể mệt mỏi.

Hướng dẫn đọc kết quả xét nghiệm sốt xuất huyết

Mục đích của xét nghiệm sốt xuất huyết là phát hiện kháng thể và kháng nguyên nguyên của virus Dengue tồn tại trong cơ thể bệnh nhân. Dưới đây là một số xét nghiệm cơ bản:

  • Xét nghiệm kháng nguyên Dengue NS1

Thường được chỉ định trong 3 ngày đầu tiên khi cơ thể có biểu hiện nghi ngờ nhiễm bệnh. Tuy nhiên, vẫn tồn tại nguy cơ âm tính giả, nghĩa là trong cơ thể người bệnh có nhiễm virus nhưng kết quả có được lại là âm tính. Với kỹ thuật Realtime RT-PCR thì sẽ cho kết quả chính xác hơn.

  • Xét nghiệm kháng thể IgM

Đây là loại kháng thể sinh ra để chống lại virus sốt xuất huyết. Thời gian thực hiện phương pháp xét nghiệm này là sau khi có dấu hiệu nghi ngờ bệnh từ 3 đến 5 ngày. Mỗi cơ thể người bệnh sẽ có khả năng tạo kháng thể khác nhau.

  • Xét nghiệm kháng thể IgG

Được chỉ định với mục đích kiểm tra xem bệnh nhân đã từng bị sốt xuất huyết hay chưa. Thông thường, sau khoảng 7 ngày mắc bệnh thì kháng thể IgG sẽ xuất hiện và tồn tại đến hết đời trong cơ thể người.

Các loại xét nghiệm bổ sung trong công tác chẩn đoán và điều trị bệnh sốt xuất huyết

Tùy vào từng trường hợp cụ thể, các bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện các loại xét nghiệm cơ bản và kết hợp với các loại xét nghiệm bổ sung. Dưới đây là một số xét nghiệm bổ sung thường được chỉ định:

  • Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu

Đây là phương pháp xét nghiệm không thể thiếu trong quá trình chẩn đoán và theo dõi, điều trị bệnh. Mục đích của phương pháp xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu là theo dõi số lượng tiểu cầu và hematocrit. Trong trường hợp tiểu cầu giảm và hematocrit tăng là một dấu hiệu cảnh báo bệnh đang tiến triển xấu.

  • Xét nghiệm điện giải đồ

Thông qua xét nghiệm phân tích nước tiểu, các bác sĩ có thể xác định được nồng độ của ion Na+, K+, Cl. Từ đó đánh giá được tình trạng rối loạn điện giải của cơ thể.

  • Xét nghiệm Albumin

Tác dụng của Albumin là duy trì lực thẩm thấu keo trong máu, đồng thời cung cấp acid amin để tổng hợp protein. Trong trường hợp bệnh nhân có dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết, các bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm Albumin để kiểm tra tình trạng thoát huyết tương trong máu và từ đó đưa ra những biến pháp khắc phục kịp thời

  • Xét nghiệm CRP

Mục đích của phương pháp này là kiểm tra bệnh nhân có gặp phải tình trạng bội nhiễm hay không. Bên cạnh đó, xét nghiệm CRP cũng có thể đánh giá được mức độ viêm nhiễm của người bệnh.

  • Xét nghiệm chức năng gan

Khi xảy ra biến chứng, sốt xuất huyết có thể gây tổn thương gan và làm suy giảm chức năng gan. Chính vì thế xét nghiệm chứng năng gan cũng là một trong những loại xét nghiệm bổ sung để đánh giá chi tiết hơn về thể trạng của người bệnh.

  • Xét nghiệm chức năng thận

Phương pháp này được thực hiện nhằm mục đích kiểm tra chức năng hoạt động của thận, đánh giá nguy cơ biến chứng, tổn thương thận do bệnh sốt xuất huyết.

Hướng dẫn đánh giá kết quả xét nghiệm sốt xuất huyết

Trong trường hợp, kết quả xét nghiệm âm tính nhưng bệnh nhân lại xuất hiện những triệu chứng nghi ngờ bệnh hoặc sống trong vùng bệnh thì bệnh nhân cần thực hiện xét nghiệm lại để loại trừ trường hợp âm tính giả, đảm bảo kết quả chính xác nhất.

Trong trường hợp kết quả dương tính, người bệnh cần được thăm khám, tuân thủ theo các chỉ dẫn của bác sĩ để phòng ngừa nguy cơ biến chứng.

Các loại xét nghiệm chẩn đoán và theo dõi, điều trị bệnh sốt xuất huyết, đồng thời là một số hướng dẫn cơ bản về cách đánh giá kết quả xét nghiệm sốt xuất huyết. Lời khuyên của các chuyên gia là không nên chủ quan, nếu thấy cơ thể có bất cứ dấu hiệu khác thường nào, nghi ngờ bệnh sốt xuất huyết thì nên đi khám và thực hiện xét nghiệm sớm để được chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời.

Để nhận thông tin khám với Bs Nhật, vui lòng nhấn vào link: https://m.me/bsphamquangnhat

BS - Phạm Quang Nhật

Bản quyền 2021 © Phòng khám Phạm Nhật