Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ là gì, khi nào làm?

Xet-nghiem-mau-thai-ky.jpg

Tầm soát tiểu đường thai kỳ là gì và khi nào?

Ngày nay, Mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Nếu không được chẩn đoán kịp thời, tiểu đường thai kỳ có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như phì đại phủ tạng, thai lưu, tăng tai biến sản khoa, thậm chí là tử vong. Vậy khi nào có thể tầm soát tiểu đường thai kỳ?

1. Vì sao cần tầm soát tiểu đường thai kỳ?

Đái tháo đường thai kỳ (hay tiểu đường thai kỳ) là một thuật ngữ chỉ tình trạng “bất kỳ mức độ rối loạn dung nạp đường khởi phát được xác định lần đầu từ khi mang thai”. Khái niệm này cần được phân biệt với những người đã có bệnh tiểu đường từ trước và chuẩn bị hay đang mang thai.

Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, tiểu đường thai kỳ sẽ gây nhiều tai biến cho quá trình mang thai và chuyển dạ, cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và con về sau.

Các biến chứng tiểu đường thai kỳ nguy hiểm bao gồm: Nguy cơ tăng huyết áp, phù tay chân, tiền sản giật, nhiễm khuẩn tiết niệu…ở mẹ. Nguy cơ mắc dị tật bẩm sinh, vàng da sơ sinh, hạ đường huyết, bệnh đa hồng cầu, béo phì…ở trẻ sơ sinh.

Đối tượng có nguy cơ cao bị tiểu đường thai kỳ:

  1. Gia đình có người tiểu đường
  2. Tiểu đường thai kỳ trước
  3. Tiền căn sinh con to (> 4000gr)
  4. Tiền căn thai lưu (đặc biệt ba tháng cuối), sinh con dị tật
  5. Có ≥ 3 lần sẩy thai liên tiếp.

2. Khi nào làm xét nghiệm tiểu đường thai kỳ?

Chính vì những hậu quả đáng sợ mà tiểu đường thai kỳ gây ra, việc tầm soát tiểu đường thai kỳ là vô cùng cần thiết. Lời khuyên đối với những phụ nữ chuẩn bị có thai hay các mẹ bầu cần chú ý các thời điểm thực hiện tầm soát phù hợp với bản thân mình.

  • Ngay từ lần khám thai đầu tiên: các mẹ bầu sẽ được bác sĩ sản khoa đánh giá nguy cơ.
  • Thai phụ không có yếu tố nguy cơ: Thử đường huyết lúc đói. Nếu kết quả bất thường (từ trên 92 mg/dL) phải tầm soát bằng nghiệm pháp dung nạp đường lúc thai từ 24 đến 28 tuần.
  • Thai phụ có yếu tố nguy cơ: Thực hiện tầm soát bằng nghiệm pháp dung nạp đường trong lần khám thai đầu tiên hay trong 3 tháng đầu. Dù kết quả bình thường cũng nên lặp lại nghiệm pháp này lúc thai từ 24 đến 28 tuần.

Thời điểm được khuyến cáo là trong giai đoạn tuần thai thứ 24 đến 28, vì lúc này bánh nhau phát triển hoàn thiện nhất, tăng sản xuất các nội tiết tố kích thích tiết glucagon, đề kháng insulin, giảm dự trữ và tăng ly giải glycogen thành glucose ở gan, giảm dung nạp đường ở các mô ngoại biên. Hệ quả là gây nên hiện tượng tăng đường huyết.

3. Quy trình tầm soát tiểu đường thai kỳ

Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ được dựa vào nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống. Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ được dựa vào nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống và được khuyến cáo thực hiện ở tất cả các sản phụ trong thời gian tuổi thai từ 24 đến 28 tuần.

Việc xét nghiệm thường được thực hiện vào buổi sáng khi chưa ăn uống gì hoặc sau nhịn ăn ít nhất 8 giờ (nhưng không quá 12 giờ). Các sản phụ sẽ được dặn dò ba ngày trước đó vẫn ăn chế độ tinh bột như bình thường.

Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ được dựa vào nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống

Đầu tiên, kỹ thuật viên sẽ lấy một mẫu xét nghiệm máu để xác định chỉ số đường huyết lúc đói. Sau đó, sản phụ được hướng dẫn uống 200ml nước có pha 75g glucose trong 3 đến 5 phút. Ngoài ra, không được hút thuốc, ăn, uống nước ngọt hay vận động mạnh gì trong lúc này. Sau đó 1- 2 tiếng, sẽ lấy thêm hai mẫu máu để đo đường huyết.

Kết quả bình thường là đường huyết:

  • Lúc đói: dưới 92 mg/dL (5,1 mmol/L);
  • Sau nghiệm pháp 1 giờ là dưới 180 mg/dL (10 mmol/L);
  • Sau 2 giờ là dưới 153 mg/dL (8,5 mmol/L).

Tiểu đường thai kỳ được xác định nếu có từ hai mẫu máu bằng hoặc cao hơn các giới hạn trên. Nếu chỉ có một mẫu, gọi là rối loạn dung nạp đường trong thai kỳ.

Trong tam cá nguyệt thứ 2, thai phụ không chỉ phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao mà còn gặp rất nhiều vấn đề về sức khỏe khác. Vì thế, ngoài việc thực hiện xét nghiệm đường huyết.

Thai phụ cần thực hiện tầm soát dị tật thai nhi, tiểu đường thai kỳ, cân nặng của mẹ và các dấu hiệu dọa sinh sớm để có các biện pháp giữ thai phù hợp.

Tài liệu tham khảo:

https://www.vinmec.com/

Để nhận thông tin khác với Bs Nhật, vui lòng nhấn vào link: https://m.me/bsphamquangnhat

BS - Phạm Quang Nhật

Bản quyền 2021 © Phòng khám Phạm Nhật